››› Dưới đây là tất cả các điều bạn cần biết để sử dụng đồng hồ hiệu quả và bền bỉ hơn! ‹‹‹

I. Hướng dẫn sử dụng đồng hồ đeo tay

1. Water Resistant - Mức độ chống nước của đồng hồ

Khi sử dụng đồng hồ bạn cần biết và hiểu rõ về độ chống nước của đồng hồ để sử dụng đồng hồ trong các hoạt động thường ngày & thể thao hợp lí, tránh trường hợp đồng hồ bị thấm nước do sử dụng không đúng với chỉ số chịu nước. Dưới đây là bảng phân loại mức độ chống thấm nước của đồng hồ theo tiêu chuẩn quốc tế:

Water Resistant - Bảng phân loại mức độ chống nước của đồng hồ

Mẹo: Để biết đồng hồ bạn đang đeo có mức độ chịu nước là bao nhiêu bạn có thể quan sát trực tiếp trên đồng hồ của mình (ký hiệu được in trên mặt số hoặc mặt đáy của đồng hồ). 

2. Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến hoạt động của đồng hồ

Đồng hồ đeo tay là một thiết bị cơ học (hoặc điện tử) và có bị ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài khiến hoạt động của đồng hồ không chính xác hoặc có hỏng hóc. Dưới đây là một số yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động trên đồng hồ đeo tay nói chung:

Ảnh hưởng của nhiệt độ:

- Nhệt độ cao: Tránh để đồng hồ trực tiếp dưới nhiệt độ cao, đặc biệt là ánh sáng mặt trời vì có thể ảnh hưởng đến bộ máy của đồng hồ. Việc đồng hồ ở nơi có nhiệt độ quá cao sẽ khiến các chi tiết trong đồng hồ bị nóng quá mức khiến thiết bị hoạt động kém chính xác, với đồng hồ pin có thể ảnh hưởng đến thời gian sử dụng pin sẽ ngắn hơn.

- Nhiệt độ thấp: Điều này đối với dân văn phòng cần lưu ý, nếu đồng hồ bị luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào thường xuyên (Máy điều hòa, quạt điều hòa, quạt phun sương,...) sẽ khiến đồng hồ dễ hỏng hóc và hoạt động không chính xác.

Ảnh hưởng của từ trường:

- Hãy hạn chế tối đa việc để đồng hồ tiếp xúc hoặc quá gần các vật dụng có từ trường mạnh (Tivi, tủ lạnh, lò vi sóng, máy vi tính,...) hay đặc biệt là nam châm vì có thể khiến đồng hồ hoạt động sai.

Ảnh hưởng của hóa chất & khí đốt:

- Các chất tẩy rửa có tính axit mạnh (xà phòng, dung môi, thủy ngân, thuốc tẩy...) hoặc khí đốt (gas, xăng, diesel,..) sẽ khiến đồng hồ có thể biến màu, hỏng gioăng chống nước hoặc thậm chí biến dạng và hỏng bộ máy của đồng hồ.

3. Cách chỉnh ngày giờ trên đồng hồ

Tùy thuộc vào mỗi dòng sản phẩm cùng chủng loại sẽ có cách chỉnh ngày giờ khác nhau. Quý khách hãy tham khảo các hướng dẫn dưới đây để rõ hơn: 

- Cách chỉnh đồng hồ 6 kim 3 nút

- Cách chỉnh đồng hồ 6 kim 1 nút

- Cách chỉnh ngày giờ đồng hồ cơ

- Cách chỉnh đồng hồ 5 kim

- Cách chỉnh đồng hồ 4 kim

Lưu ý khi chỉnh ngày giờ:

- Không được vặn ngược chiều kim đồng hồ vì có thể làm hỏng bộ máy cơ của đồng hồ.

- Sau khi chỉnh ngày giờ, hãy đóng chặt núm đồng hồ lại như cũ để tránh hư hại và nước vào trong đồng hồ.

- Đối với đồng hồ cơ automatic nếu không đeo liên tục có thể dẫn đến sự sai số nhẹ hoặc lâu không đeo sẽ dừng chạy.

II. Hướng dẫn cách bảo quản & vệ sinh đồng hồ

Đồng hồ dù của bất kỳ thương hiệu nào hay giá cả nào quý khách hàng cũng vẫn nên có kiểm tra định kì trong quá trình sử dụng (ít nhất khoảng 2 năm/lần). Quý khách hàng hãy mang đồng hồ của mình đến các trung tâm bảo hành/chăm sóc khách hàng chính hãng để được nhân viên kỹ thuật kiểm tra bảo dưỡng giúp đồng hồ bền bỉ và hoạt động chính xác hơn.

1. Hướng dẫn vệ sinh vỏ/mặt kính đồng hồ

- Đối với vỏ và mặt kính của đồng hồ bạn hãy sử dụng vải mềm ẩm để lau nhẹ bề mặt. Hãy tránh sử dụng các chất tẩy rửa và dung môi vì có thể làm cho đồng hồ bị hư hại.

2. Hướng dẫn vệ sinh dây đeo đồng hồ

- Đối với dây da: Sử dụng vải mềm ẩm để lau sạch bề mặt, sau đó cho dây đeo da vào hộp kín cùng gói hút ẩm để khử mùi hôi.

- Đối với dây kim loại: Dây kim loại có thể sử dụng nước ấm (tầm 50 độ C) và dùng bàn chải mềm để cọ rửa sạch sau đó dùng vải mềm để lau khô.

Lưu ý: Tránh sử dụng trực tiếp chất tẩy rửa và hóa chất để làm sạch dây đeo để giữ cho dây đeo bền màu và luôn đẹp như mới.

III. Lưu ý quan trọng khi sử dụng đồng hồ

1. Khi sử dụng đồng hồ tiếp xúc với nước

- Hãy luôn kiểm tra kỹ đồng hồ (có bị nứt vỡ hay không, núm chỉnh đã đóng kín chưa,...) trước khi sử dụng trong môi trường nước hoặc ẩm ướt để tránh nước ngấm vào đồng hồ.

- Nếu bạn đang sử dụng đồng hồ dưới nước mới tiếp xúc với nước và vẫn còn ướt thì không được sử dụng đến các nút ấn hoặc chỉnh giờ vì có thể khiến nước ngấm vào trong đồng hồ. Sau khi tiếp xúc với nước hãy sử dụng vài mềm để lau khô đồng hồ.

- Đối với nước biển: Nếu bạn mới sử dụng đồng hồ dưới môi trường nước biển (với đồng hồ có độ chịu nước 20ATM trở lên) thì hãy rửa sạch lại bằng nước thường và lau khô đồng hồ vì trong nước biển có chứa rất nhiều loại axit và muối ăn mòn khiến đồng hồ bị oxy hóa.

- Tuyệt đối tránh đeo đồng hồ trong môi trường nước quá nóng (tám nóng lạnh, xông hơi,...) hoặc quá lạnh vì với nhiệt độ thay đổi đột ngột thì với sự khác nhau giữa độ co giãn của vỏ và gioăng chống nước sẽ khiến đồng hồ tạo nên khe hở và dễ bị hơi nước ngấm vào khiến các chi tiết trong đồng hồ bị hư hỏng.

2. Tránh va chạm mạnh

- Hãy tránh các va chạm mạnh trực tiếp hoặc gián tiếp với đồng hồ vì sẽ khiến đồng hồ có khả năng bị biến dạng hoặc hỏng hóc các chi tiết bên trong bộ máy.

3. Tránh tiếp xúc với môi trường nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp

- Bạn không nên sử dụng đồng hồ trong các môi trường có nhiệt độ không bình thường (Thấp hơn 5°C hoặc cao hơn 50°C) vì có thể khiến các chi tiết hoặc thành phần điện tử trong đồng hồ bị hỏng và không hoạt động.

4. Tuyệt đối không để đồng hồ tiếp xúc với hóa chất

- Các loại hóa chất và chất tẩy rửa có tính axit mạnh có thể ăn mòn vỏ, dây đeo của đồng hồ rất lớn. Đặc biệt là Thủy ngân nếu tiếp xúc với đồng hồ mạ vàng có thể làm bay màu mạ của đồng hồ.

5. Cách bảo quản đồng hồ khi bạn không đeo

- Khi bạn không đeo đồng hồ hãy để đồng hồ ở một nơi thoáng khí, không được để ở môi trường quá kín hoặc ẩm ướt. Bạn có thể đầy đủ qua hướng dẫn cách bảo quản đồng hồ khi không sử dụng để biết rõ cách bảo quản tốt nhất nên áp dụng khi bạn không đeo đồng hồ trong một thời gian lâu.

© All rights reserved - Bản quyền thuộc về CÔNG TY PHÂN PHỐI SẢN PHẨM CAO CẤP LPD